Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!


Trở về trang chính

 

Một cách nhìn hiện thực xã hội Việt Nam

Nguyên Ngọc

(Tham luận tại Hội Thảo ở Ðại Học NYU, New York, 4-5/12/2003)


Hiện thực Việt Nam là một hiện thực rất phức tạp. Một cách nhìn thẳng thắn, xuất phát từ những khái quát lịch sử tỉnh táo, hết sức cần thiết để có thể có được những giải pháp đúng đắn và cơ bản nhằm khôi phục lại sức mạnh của xã hội, đủ sức đối phó với những thách thức mới đang đến ngày nay. Những ai quan tâm tới văn học Việt Nam, và đặc biệt trong giai đoạn trước khi dòng văn học này được cởi trói, đều biết tới những đóng góp của Nguyên Ngọc. Ông đã đem Nguyễn Huy Thiệp ra khỏi bóng tối, khi truyện ngắn Tướng Về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp bị tổng biên tập tạp chí Văn Học bỏ xó cho phủ bụi, chờ cho vào thùng rác, thì Nguyên Ngọc được đưa về đảm nhận chức vụ Tổng Biên Tập của tờ báo này. Có thể nói lúc đó tờ Văn Học đang thoi thóp và không có một chút sinh khí nào. Trong một thời gian ngắn ngủi Nguyên Ngọc hà hơi cho tờ báo này đứng dậy, cùng với một loạt tên tuổi mới, hầu hết là những kiện tướng trong một giai đoạn ngắn ngủi, được hải ngoại đánh giá là văn chương phản kháng. Nếu không có Nguyên Ngọc, e rằng những Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nhật Tuấn..., giờ này còn đang lần mò trong bóng tối. Dưới đây là một bài phát biểu của Nguyên Ngọc trong một hội thảo văn học tại New York. Chúng tôi đăng tải bài viết này để độc giả được rộng đường dư luận.


Công cuộc đổi mới ở Việt Nam chính thức bắt đầu từ năm 1986, đến nay đã được hơn 15 năm. Ðược điều khiển thận trọng và khéo léo, nó đã không gây ra những đổ vỡ nặng nề như ở một số nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây, và đã đưa lại một số kết quả đáng khích lệ. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, chính trị ổn định, xã hội cởi mở hơn. Tuy nhiên trong quá trình đổi mới, một loạt những vấn đề mới đã liên tục nảy sinh, những thách thức mới đã hiện ra, không dễ vượt qua. Hoặc cũng có thể nói cách khác, chính công cuộc đổi mới trong qua trình phát triển của nó, do nó phải liên tục vượt qua những thách thức mới tất yếu ngày càng phải động chạm đến những vấn đề cơ bản hơn, đã và đang làm phải lộ ra thực chất của những nan đề lâu dài của xã hội Việt Nam, ngày càng cho phép nhận ra sự phức tạp, sâu sắc của những nan đề đó, những nan đề đòi hỏi những giải pháp rất sâu sắc và cơ bản. Một cách tóm tắt, có thể nói đó chính là những nan đề của một xã hội “hậu thuộc địa” và “hậu xã hội chủ nghĩa”. Hai cái “hậu” đó không phải cái này tiếp sau cái kia, mà chồng lên nhau, không phải chỉ là cộng lại, mà cộng hưởng vào nhau.

Có lẽ cần phải nhắc lại một ít lịch sử, bởi tất cả tình thế này đã hình thành trong một quá trình lịch sử kéo dài và không hề đơn giản. Những năm đầu thế kỷ XX là một thời kỳ sôi động và căng thẳng trong lịch sử Việt Nam. Sau thất bại liên tiếp của những cuộc nổi dậy chống ách thực dân của Pháp do các lãnh tụ thuộc tầng lớp nho sĩ lãnh đạo, dẫn đến bế tắc nặng nề về đường lối, vấn đề tìm con đường nào để có thể đưa đất nước thoát ra khỏi tình cảnh nô lệ được đặt ra hết sức bức xúc. Lúc bấy giờ xuất hiện một nhân vật rất đặc biệt: Phan Châu Trinh. Về sau này, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn sẽ nói về nhân vật đó như sau: “Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm về văn hóa xã hội Việt Nam, thấy rõ nguyên nhân sâu xa đưa đến mất nước, bị đô hộ ngày càng khốc liệt là sự thua kém của xã hội Việt Nam so với phương Tây...”. Quả vậy, Phan Châu Trinh là người đầu tiên và là người duy nhất thời bấy giờ hiểu ra sự khác biệt về lịch sử hết sức cơ bản: ông nhận ra rằng cuộc đối mặt của Việt Nam với xâm lược Pháp lần này, khác với tất cả các cuộc chống xâm lược trước, là đối mặt với một thế giới hoàn toàn mới, mà phương Ðông trước đó chưa hề biết đến. Thế giới đối với Việt Nam trước đây chỉ gồm có thiên triều Trung Hoa và các nước chư hầu chung quanh, trong đó có Việt Nam. Bây giờ thì khác, thế giới đã rộng ra mênh mông, và cái phần thế giới mới ấy thuộc về một thời đại hoàn toàn khác lạ. Cuộc đối mặt lần này không chỉ là đối mặt với một cuộc xâm lược (như bao nhiêu cuộc xâm lược của phong kiến Trung Hoa trước đây, trong đó kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược đều ở trong cùng một thời đại lịch sử, có thể chênh lệch lớn về lực lượng nhưng ngang bằng nhau về thời đại), mà là đối mặt với một cuộc “toàn cầu hóa” đang diễn ra dữ dội.

Cuộc “toàn cầu hóa” lần thứ nhất.

Trong cuộc đối mặt đó Việt Nam đã thua vì thấp hơn đối thủ mới của mình cả một thời đại, trước hết về văn hóa xã hội. Vậy muốn thay đổi tình thế thì phải khắc phục khoảng cách về thời đại đó, phải tự thay đổi dân tộc mình, đưa dân tộc vượt hẳn lên một thời đại mới, để từ đó, trong cuộc đối đầu, đọ sức, (hay đúng hơn, trong cuộc hòa nhập tất yếu cùng thế giới), giữa mình với họ là những đối thủ, những đối tác bình đẳng, ngang bằng nhau về thời đại. Từ nhận thức đó, khác với những người đi trước ông, những người cùng thời với ông, (và cả những người đi sau ông), ông cực lực phản đối đấu tranh võ trang, cho rằng đấu tranh võ trang không thể có hiệu quả, và cũng không giải quyết được vấn đề cơ bản của xã hội. Ông chủ trương một cuộc khai hóa lớn đối với nhân dân của mình, một cuộc cách mạng xã hội rộng lớn, mà ông gọi là công cuộc duy tân, tức là đổi mới, lấy nội dung khai dân trí làm chủ yếu; và ông hiểu dân trí trước hết là sự giác ngộ về quyền dân chủ của nhân dân. Về thực chất, có thể nói ông chủ trương một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, để cải thiện dân tộc, đưa dân tộc lên ngang tầm thời đại mới. Ông chủ trương triệt để chống phong kiến, dân chủ hóa triệt để xã hội. Ðể thực hiện lý tưởng đó, ông cho rằng cần phải ra sức học phương Tây. Ông đã tự đặt tên cho mình là Hy Mã, có nghĩa là “hy vọng ở Guiseppe Mazzini”, nhà cách mạng Ý nổi tiếng thế kỷ XIX. Phan Châu Trinh không còn tìm thấy thần tượng nào cho mình ở phương Ðông. Ông đi tìm ở phương Tây. Trong những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã đặc biệt chú ý đến Phan Châu Trinh. Nhiều người cho rằng công cuộc vận động xã hội mà hiện nay gọi là Ðổi Mới, thực ra đã bắt đầu từ Phan Châu Trinh. Nhưng nó đã bị dở dang. Ðó là một cơ hội đổi mới của Việt Nam cách đây một thế kỷ đã bị bỏ lỡ. Và ngày nay, đổi mới, nói theo một cách nào đó, là tiếp tục sự nghiệp dở dang của Phan Châu Trinh. Như chúng ta đã thấy, do những éo le khắc nghiệt của lịch sử, công cuộc giải phóng dân tộc của Việt Nam đã không đi theo con đường Phan Châu Trinh lựa chọn. Việt Nam đã phải làm một cuộc chiến tranh, kéo dài ba mươi năm, thay vì một cuộc cách mạng xã hội. (Ðúng ra thì song song với cuộc chiến tranh đó cũng có một cuộc cách mạng xã hội, nhưng là một cuộc cách mạng xã hội theo hướng khác, mà chúng ta sẽ nói đến sau đây). Và như vậy độc lập dân tộc đã được khôi phục, nhưng những nan đề do Phan Châu Trinh và phong trào duy tân (đổi mới) của ông phát hiện và mong muốn giải quyết thì, sau một trăm năm, hầu hết vẫn còn nguyên đó. Về kinh tế, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Về xã hội, vẫn chưa có được một xã hội công dân. Không hình thành được giai cấp tư sản dân tộc. Tầng lớp trí thức nhỏ bé và yếu ớt. Di sản phong kiến nặng nề trong tất cả các lĩnh vực quan hệ xã hội. Ðó là một mặt rất quan trọng trong bối cảnh hậu thuộc địa của Việt Nam, mà đương nhiên cuộc đổi mới của Việt Nam ngày nay phải đối mặt. Cũng cần nói thêm rằng gần một trăm năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam về cơ bản không hề làm thay đổi được tính chất thời đại của xã hội Việt Nam. Tính chất phong kiến của xã hội ở trong một tình thế hai mặt phức tạp: một mặt văn hóa Pháp được du nhập vào Việt Nam ít nhiều có tác động giải phong kiến; một số trào lưu, tiêu biểu chẳng hạn như Tự lực Văn Ðoàn trong văn học, đã đề cập đến vấn đề vai trò và quyền của cá nhân trong xã hội, v.v... Song mặt khác chính quyền thực dân lại ra sức củng cố các quan hệ phong kiến, nhằm tận dụng chúng cho việc cai trị của họ. Các văn kiện chính thức ở Việt Nam trước nay thường định nghĩa tính chất xã hội Việt Nam sau khi chấm dứt chế độ thuộc địa là “nửa thuộc địa, nửa phong kiến”. “Nửa” ở đây không có nghĩa là cái này làm giảm nhẹ bớt cái kia đi, mà trái lại cái này càng làm cho cái kia nặng hơn, đậm hơn.

Chồng lên những di sản hậu thuộc địa ở Việt Nam là những di sản hậu “xã hội chủ nghĩa”. Khi đã phải chọn con đường đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc, thì như ta đã thấy, trong tình thế lịch sử thời bấy giờ, hầu như tất yếu phải tìm chỗ dựa về lực lượng ở phong trào cộng sản quốc tế, và sau nay là ở khối xã hội chủ nghĩa. Những tư liệu do các nhà nghiên cứu công bố gần đây ngày càng cho thấy rằng trong suốt một quá trình dài Hồ Chí Minh đã cố hết sức tránh con đường chiến tranh. Hơn thế nữa, ông chủ yếu là một nhà dân tộc chủ nghĩa. Ông từng là một trong những đồ đệ gần gũi nhất của Phan Châu Trinh. Nhưng rồi ông đã tách ra và đi một con đường khác. Con đường ông đã phải đi, và do đó dân tộc ông đã phải đi, là một con đường chẳng đừng được, chủ yếu do những kẻ thù của ông áp buộc. Ðương nhiên, khi chẳng còn cách nào khác, buộc phải làm chiến tranh giải phóng, thì phải làm nó đến triệt để, và trong thực tế cuối cùng Việt Nam đã thắng cuộc chiến tranh gian nan đó. Ðộc lập dân tộc đã giành lại được. Bằng một cái giá rất đắt. Không phải chỉ là cái giá sinh mạng người và những tổn thất to lớn về vật chất. Còn sâu sắc và mang hậu quả lâu dài hơn là cả một hệ tư tưởng xa lạ được áp đặt lên xã hội. Ở đây vấn đề cũng rất phức tạp, có nhiều mặt khác nhau, nhiều khi trái ngược với nhau, cần phải tháo gỡ ra một cách khách quan. Trong suốt mấy mươi năm, mục tiêu của cuộc chiến tranh luôn được xác định là một mục tiêu kép: Ðộc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa yêu nước được gắn chặt, đồng nhất với chủ nghĩa xã hội. Và chủ nghĩa xã hội được hiểu như là lý tưởng về một xã hội tốt đẹp, công bằng, hạnh phúc. Lý tưởng tức là tương lai, là cái người ta vươn tới. Lý tưởng tốt đẹp nhưng trừu tượng, mơ hồ đó (rất có thể chính vì nó còn trừu tượng và mơ hồ) quả thật đã làm tăng lên rất nhiều sức mạnh chiến đấu của dân tộc trong một cuộc chiến vào loại kéo dài nhất trong thế kỷ XX và vô cùng khó khăn. Không thể nói rằng nó đã không là một trong những nhân tố quan trọng của thắng lợi. Song mặt khác, hệ tư tưởng đó không chỉ là một lý tưởng xa xôi. Nó còn được đem áp dụng vào một cuộc cải tạo xã hội được tiến hành liên tục trong nhiều chục năm, song song với chiến tranh, vừa được coi như là một phần của nỗ lực tạo lực lượng cho chiến tranh, vừa được vận dụng ráo riết trong việc tổ chức xã hội mới, nhất là từ sau năm 1954 khi nửa nước miền Bắc đã có hòa bình. Một trong những hệ quả đầu tiên là nó đưa đến một xã hội trong đó không có vai trò của cá nhân, cá nhân bị phủ định. Cá nhân vốn đã mù mịt trong các quan hệ phong kiến trước đây, chỉ mới phát triển le lói trong thời kỳ chịu những hưởng của văn hóa Pháp, nay bị dập tắt hẳn. Tính cộng đồng phong kiến truyền thống được kết hợp và phù hợp một cách kỳ lạ với chủ nghĩa tập thể xã hội chủ nghĩa. Cá nhân bị đả kích, xỉ vả, triệt tiêu. Tư hữu bị coi là tội lỗi lớn nhất. Chủ nghĩa bình quân được ca ngợi. Éo le của tình thế là những điều này phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, thật sự có hiệu quả trong chiến tranh, trong điều kiện phải tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp để đối phó với những đối thủ lớn mạnh hơn mình rất nhiều về lực lượng và trang bị kỹ thuật. Chiến tranh càng củng cố mạnh mẽ hơn chủ nghĩa tập thể vô danh tính. Cá nhân bị đả kích thì trí thức tất yếu cũng bị coi thường, khinh bỉ, kỳ thị, có lúc đã từng bị coi là đối tượng hàng đầu của cách mạng. Nếu trước đây, trong thời kỳ Pháp thuộc, chỉ có được một tầng lớp trí thức nhỏ bé, yếu ớt, thì nay có thể nói chỉ có những cá nhân người trí thức chứ không có một tầng lớp trí thức, một “intelligentsia”...

Nói theo một cách nào đó thì công cuộc đổi mới ngày nay chính là phản ứng của xã hội trên đường phát triển tự nhiên của nó chống lại cái chủ nghĩa tập thể mờ mịt phi tự nhiên đó, là cái tự nhiên chống lại và cuối cùng đã thắng cái phải tự nhiên Thật vậy, trong thực tế Việt Nam, đổi mới đã không diễn ra và được thực hiện từ trên xuống. Nó đã bắt đầu từ bên dưới, “bất hợp pháp”, từ trong đời sống sản xuất của những người nông dân, lúc đầu ở một tỉnh (Vĩnh Phú), bị dập tắt, sau đó lại bùng lên ở nơi này nơi khác, cho đến khi không thể dập tắt được nữa, lan tràn từ nông nghiệp sang các ngành kinh tế khác, từ kinh tế sang các lĩnh vực khác, văn hóa, xã hội, chính trị. Hình như ở chỗ này, tình hình ở Việt Nam có phần khác ở một số nước xã hội chủ nghĩa khác, chẳng hạn ở Liên Xô. Ở Liên Xô, công cuộc cải tổ là một cuộc cách mạng bắt đầu từ bên trên, một kiểu “cách mạng cung đình”. Nó vấp phải sự phản kháng không chỉ của các thế lực cản trở bên trên, mà của ngay đông đảo quần chúng bên dưới. ở Việt Nam khác, bên dưới năng động hơn bên trên, bên dưới khởi xướng, bị sự cản trở của bên trên, cho đến khi bên trên “chịu thua”. Có lẽ đây là một đặc điểm quan trọng của Ðổi Mới ở Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ. Bởi cái bên dưới đã là động lực khởi xướng Ðổi Mới ấy, tự nó cũng lại mang nặng nhiều nhược điểm do những di sản hậu thuộc địa và hậu chủ nghĩa xã hội để lại, như ta đã thấy. Công cuộc Ðổi Mới do vậy khá gập ghềnh và nặng nhọc. Một điều khác đáng chú ý: Ðổi Mới, như đã nói, đã được khởi xướng từ những năm 1960 ở một tỉnh, bị dập tắt, sau đó âm ỉ ở nơi này nơi khác, lại bị dập tắt, và chỉ thắng lợi được sau năm 1975. Vì sao? Tất nhiên có điều kiện là lúc này đã chấm dứt chiến tranh, những vấn đề của phát triển kinh tế xã hội mới thật sự đặt ra và đòi hỏi giải quyết. Tuy nhiên, không chỉ có thế. Còn có tác động của mô hình kinh tế xã hội vốn cởi mở hơn của miền Nam. Trong thực tế tình hình đã diễn ra như sau: lúc đầu miền Bắc chiến thắng đã áp đặt mô hình bao cấp toàn diện của mình lên miền Nam (điều này trong gần một chục năm đã gây ra rất nhiều tổn thất về lực lượng xã hội), nhưng rồi sau đó bản thân sự năng động của miền Nam đã tác động trở lại, có hiện tượng có thể gọi là “miền Nam hóa” đối với toàn xã hội. Trong Ðổi Mới, Việt Nam có một chỗ may mắn hơn chẳng hạn Liên Xô: Việt Nam có một miền Nam làm nhân tố kích thích. Ðiều này không chỉ đúng trong kinh tế, mà cả trong văn hóa, và nhiều lĩnh vực xã hội khác.

Một trong những đặc điểm khác của hệ ý thức “xã hội chủ nghĩa” được áp đặt lên xã hội là nó cường điệu vấn đề giai cấp, dựng lên những đối lập giai cấp giả tạo. Ngay từ đầu những năm 1920, Hồ Chí Minh (bấy giờ là Nguyễn Ái Quốc) đã nhận thấy và cảnh báo rằng vấn đề giai cấp ở Việt Nam không hoàn toàn giống như ở phương Tây (và cả ở Trung Quốc), không thể đem áp đặt mô hình giai cấp và đấu tranh giai cấp ở phương Tây lên xã hội Việt Nam. Nhưng bất chấp lời cảnh báo sớm đó, một cuộc đấu tranh giai cấp giả vẫn được tiến hành suốt nhiều chục năm, xé nát xã hội ra, gây tổn thất sâu sắc và để lại những hậu quả rất nặng nề. Nó đánh phá và làm đảo lộn hầu hết các mối quan hệ xã hội cơ bản, bình thường và truyền thống, tạo nên những quan hệ giả, gây ra tình trạng rối loạn về văn hóa và đạo đức xã hội. Nội lực tinh thần của xã hội bị tổn thất lớn. Chưa bao giờ con người cảm thấy cuộc sống tinh thần của mình chông chênh như vậy. Tập trung rõ nhất là hai đơn vị cơ bản của xã hội bị phá vỡ: Làng và gia đình. Trong lịch sử Việt Nam từng có những giai đoạn dài bị mất nước (cuộc đô hộ của phong kiến Trung Hoa kéo dài suốt cả thiên niên kỷ thứ nhất, cuộc đô hộ của thực dân Pháp thì gần một thế kỷ) nhưng trong những thời kỳ đen tối đó có điều lạ: Nước bị mất nhưng làng không mất. Ðây là một điểm đặc sắc của xã hội Việt Nam. Ở đây làng có tính độc lập tương đối của nó. Ngay trong thời kỳ phong kiến, quyền hành của triều đình trung ương cũng chỉ dừng lại ở bên ngoài lũy tre làng. Trong tất cả các thời kỳ bị xâm lược, chính sách đồng hóa của ngoại bang cũng không xuyên qua được lũy tre ấy. Làng thực sự là một thứ pháo đài kiên cố, nơi văn hóa dân tộc có thể cố thủ lại trong những tình thế khó khăn nhất. ấy vậy mà pháo đài kiên cố đó đã bị phá vỡ bằng cuộc cải cách ruộng đất giáo điều và áp đặt. Xã hội trở nên chông chênh vì bị tấn công ở chính ngay chân đứng của nó. Làng bị hỗn loạn, thì xã hội cũng không thể yên ổn. Một đơn vị xã hội khác cũng bị tấn công mạnh mẽ và bị phá vỡ là gia đình. Ðối với một xã hội phương Ðông như xã hội Việt Nam, đây là một điều cực kỳ nguy hiểm. Sức đề kháng của xã hội và con người bị đánh vỡ từ trong từng tế bào của nó. Có lẽ chính điều này giải thích vì sao bước ra khỏi một cuộc chiến tranh đã giành được thắng lợi vẻ vang, xã hội Việt Nam bỗng nhiên trở nên bị mất sức nghiêm trọng đến thế. Nó như một cơ thể bị trọng thương, lại đúng vào lúc phải đối mặt với những thách thức của một nền kinh tế thị trường và với toàn cầu hóa.

Hiện thực Việt Nam là một hiện thực rất phức tạp. Ðất nước vừa đi ra khỏi một cuộc chiến tranh kéo dài và thắng lợi thật to lớn, nhưng ngay trong thắng lợi ấy, thậm chí trộn lẫn với chính những nguyên nhân của thắng lợi ấy, lại tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực sâu sắc và nặng nề, do một quá trình lịch sử quanh co và phức tạp tạo nên. Một cách nhìn thẳng thắn, xuất phát từ những khái quát lịch sử tỉnh táo, là hết sức cần thiết để có thể có được những giải pháp đúng đắn và cơ bản nhằm khôi phục lại sức mạnh của xã hội, đủ sức đối phó với những thách thức mới đang đến ngày nay. Báo cáo này của chúng tôi chính là cố gắng góp phần vào một cái nhìn như vậy.

 

Trở về trang chính