Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Trở về trang chính

Hỏi chuyện Nguyễn Chí Thiện

Phương Tây chiều thứ Bảy

Việt Mercury, 24/8/01

Hoàng Hải Thủy

Nguyễn Chí Thiện và tôi ở gần nhau, trong Virginia, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, hai thị trấn ở quanh Washington D.C.. Hai năm vừa qua,1999-2000, Nguyễn Chí Thiện sống ở Pháp, ba tháng hè anh về Mỹ sống với ông anh H.Ọ. Có thể tháng Mười năm nay, 2001, anh sẽ sang sống một năm ở Ðức. Mỗi lần Thiện về Mỹ chúng tôi đều gặp nhau. Tất nhiên chúng tôi có trao đổi với nhau về chuyện văn nghệ nhưng đây là lần thứ nhất chúng tôi nói chuyện tay đôi qua điện thoại cả hai, ba tiếng đồng hồ về những chuyện đời tư, chuyện thơ văn, chuyện sáng tác. Tôi hỏi, Thiện trả lời. Tôi viết lại những lời Thiện nói.

H.Mười năm trước khi anh đến Hoa Kỳ, anh cho là kiếp này anh không được thấy phương Tây, anh đành chờ kiếp sau. Ðến hôm nay anh đã sống năm, sáu năm ở phương Tây, anh thấy phương Tây thế nào, anh cho biết đôi chút về cuộc sống của anh ở phương Tây, phương Tây có đáng để anh mơ ước đến sống không, anh có thấy thương nhớ quê hương không? Anh có thấy tiếc đã bỏ nước ra đi không? Những gì trong cuộc sống của anh ở phương Tây làm anh hài lòng, có gì làm anh thất vọng, bất mãn?

Ð. Từ ngày mới lớn những hình ảnh của phương Tây, sông Seine, vườn Luxembourg, thành phố Cựu Kim Sơn... đã hấp dẫn tôi. Tôi muốn được thấy tận mắt những cảnh ấy. Năm 1995 tôi rời quê hương sang phương Tây, sau sáu năm tôi thấy phương Tây không thích hợp với những người có tuổi, nhiều bệnh, như tôi. Khi đã thấy phương Tây tôi không còn thích nó nữạ Phương Tây chỉ tốt khi ta du học, du lịch, phương Tây không phải là nơi để tôi sống vĩnh viễn. Ở các nước phương Tây khoa học, kỹ thuật phát triển, nhân dân có đời sống vật chất cao, được hưởng nhiều quyền tự do nhưng cùng lúc tội ác cũng gia tăng, bạo loạn không ngừng, an ninh của người dân không được bảo đảm, người phương Tây có thể bị chết đột ngột ở nơi làm việc, trong trường học, trong cả nhà thờ, đời sống tinh thần sa sút, số người chán đời càng ngày càng nhiều; thống kê cho thấy năm 2000 có 12,000 người tự tử ở Pháp. Sống ở phương Tây tôi không phải lo về cơm áo, như những người cùng tuổi, tôi phải sống cô đơn. Tôi không tiếc đã bỏ nước ra đi vì tôi ra đi với ý định tôi sẽ làm ở nước ngoài một số công việc tôi nghĩ có ích cho nhân dân, cho tổ quốc, những viêc tôi không thể làm khi tôi sống trong nước. Có xa mới thấy nhớ. Sáu năm rồi, tôi rất nhớ Hà Nội, Hải Phòng, tôi nhớ Sài Gòn dù tôi chỉ sống ở Sài Gòn ít ngày. Tôi rất mong có ngày tôi được trở về quê hương.

H. Từ ngày sang Hoa Kỳ anh có làm bài thơ nào không? Nếu có anh có thể cho bạn đọc thưởng thức một vài bài thơ mới làm ở hải ngoại của anh không? Nếu không có bài thơ nào mới anh có thể cho biết tại sao lại không?

Ð. Tôi ngừng làm thơ từ năm 1988 khi tôi ở trại tù B 14, thường gọi là Sà-lim Bộ, ở Hà đông. Từ năm đó tôi dành thì giờ và trí óc vào việc học cho thuộc lòng thật kỹ những bài thơ tôi đã làm, sửa chữa, hoàn chỉnh những bài thơ đó. Cho đến năm 1988 tôi đã làm khoảng 700 bài thơ. Thơ Tù quanh quẩn ở mấy đề tài cùm kẹp, đói khổ, khoai sắn, bệnh hoạn chết chóc, tôi đã làm thơ về tất cả những đề tài đó. Với tôi, đề tài tù đày đã cạn kiệt. Ðời sống ở xứ người chưa thâm nhập trong tôi đủ để tôi có cảm xúc làm thơ. Từ ngày sang Hoa Kỳ tôi chỉ làm hai bài thơ; bài thứ nhất tôi làm ở San Jose năm 1995, mấy tháng sau ngày tôi đặt chân lên đất Hoa Kỳ, khi tôi gặp ở đó bà con gái cụ Vũ Thế Hùng, một tù nhân chính trị đồng tù với tôi. Cụ Hùng có mang vào tù mấy tấm ảnh gia đình, trong số có ảnh cô con của cụ . Trong tù buồn không có việc gì làm, mỗi lần cụ Hùng nhớ gia đình lấy ảnh ra xem, mấy anh tù trẻ xúm lại xin xem ké. Khi đến San Jose tôi gặp người tôi đã nhìn thấy trong ảnh mười mấy năm xưa ở Nhà Hỏa Lò, năm 1995 bà con gái cụ Hùng khoảng 50 tuổi. Nhớ lại khi ở trong tù nhìn thấy ảnh bà chụp năm bà 16, 17 tuổi, tôi làm bài thơ:

Bóng hồng dương thế

Có người con gái mắt bồ câu

Lưu lạc, ly hương từ thưở xuân thì

Ðất Mỹ

Trời Âu

Xa lắm!

Nơi rừng sâu

Người cha rầu rầu

Thường mang ảnh con mình ra ngắm

Ðêm tù

Âm khí âm u

Mấy chàng trai mắt trũng, chân phù

Thờ thẫn cầm nàng trong tay

Cầm cả mùa xuân hạnh phúc

Bóng hồng dương thế xa baỵ

Ðây là bài thơ thứ hai tôi làm ở Hoa Kỳ, năm 1995:

Hồng van

Bao lâu rồi, có thấy gì đâu

Anh thôi đợi, nhưng cà-phê nguội đắng

Anh ngồi lặng, nhìn ra phố vắng

Làm bận lòng em, anh biết lỗi từ lâu

Buổi gặp em như một phép nhiệm mầu

Lòng anh, cảnh trời Ðông bảng lảng

Em hiện ra, thành mượt mà hè sáng

Tưng bừng huyết phượng nở ngàn bông

Nhưng thời gian không hơi ấm tình nồng

Hoa phượng đỏ thâm bầm tiết động

Trời Ðông về, ảm đạm, mênh mông

Lãng đãng bay xa, xa mãi, vết mây hồng

H. Xin anh kể vài chuyện chung quanh vụ anh vào Tòa Ðại Sứ Anh ở Hà nội gửi gấm bản thảo Hoa Ðịa Ngục. Tại sao anh chọn vào Tòa Ðại Sứ Anh mà không chọn vào Tòa Ðại Sứ Pháp?

Ð.Tôi đã kể chuyện này năm 1995 khi tôi mới sang Hoa Kỳ, nay tôi kể lại. Tôi vẫn có ý định vào Tòa Ðại Sứ Pháp gửi tập thơ nhờ họ mang đi, nhưng Tòa Ðại Sứ Pháp có cái sân rộng bên trong, lại có nhiều người làm trong đó là người Việt. Phần lớn những người này làm việc cho công an. Tôi khó vượt qua được khoảng sân rộng để vào tòa nhà mà không bị ngăn chặn. Tối ngày 13 tháng Bảy năm ấy, năm 1979, Tòa Ðại Sứ Pháp mở liên hoan chiêu đãi nhân Ngày 14 Juillet, tôi định lợi dụng lúc quan khách ngoại giao đoàn đến dự liên hoan, khi họ xuống xe tôi trà trộn vào họ để chạy vào sứ quán, hy vọng có quan khách ngoại quốc bọn công an sẽ không dám làm dữ. Tối ấy tôi dắt tập thơ trong bụng, đến nơi thấy không thể vào được vì xe hơi không đậu ở ngoài đường mà đi thẳng vào trong sân. Tôi chuyển ý định sang Sứ Quán Anh. Tòa Ðại Sứ Anh có sân trước nhỏ hơn, chỉ năm bẩy bước từ cổng là vào đến nhà. Cổng có một tên công an đứng gác. Sáng ngày 16 tháng Bảy tôi đi uống cà-phê với anh cháu con bà chị tôi, nó biết tôi sắp liều mạng vào Tòa Ðại Sứ Anh. Khi chia tay tôi bảo nó đi làm đi, mặc cậu, tôi đi bộ đến Tòa Ðại Sứ Anh, khi đi tôi lấy dáng bộ tự nhiên, không trong ngang trông ngửa, không quay nhìn lại đằng sau, nên cháu tôi vẫn dắt xe đạp lẽo đẽo đi theo tôi mà tôi không biết. Từ vỉa hè nhìn vào thấy sứ quán mở cửa, trong cửa có cái bình phong che. Tôi tưởng vào đó là tôi gặp ngay nhân viên người Anh của sứ quán, thấy tên công an gác cửa không nhìn ngó tôi chạy luôn vào. Nhưng vào sau bình phong tôi thấy một căn phòng rộng, có cái bàn lớn kê ở giữa phòng, có ba tên người Việt, hai đàn ông, một phụ nữ, ngồi ở bàn, tôi thấy cánh cửa phòng bọc da đỏ . Vì tấm bình phong che tôi không thấy ba người Việt này, nếu thấy họ tôi đã không chạy vào. Thấy tôi, một tên hỏi: "Ðồng chí có chuyện gì?". Tôi nói tôi là nhân viên Bộ Ngoại Giao, có việc sang gặp ông đại sứ. Y hỏi giấy đâu, làm gì có giấy, tôi nói tôi vẫn gặp ông đại sứ luôn, cứ cho tôi gặp ông ấy. Thấy bại lộ, tôi tạt sang một bên, thấy cái phòng nhỏ không có cửa, loại phòng tiếng Pháp là boudoir, trong có một phụ nữ Anh rất trẻ, chỉ ngoài 20, đang đứng chải tóc. Tôi nói tiếng Anh với cô: "Xin cô cứu tôi..." Cô ngạc nhiên nhìn tôi, sợ hãi, tôi nói: "Tôi là người lương thiện, tôi không hại cô, xin cô giúp tôi..." Khi ấy một trong hai tên đàn ông chạy ra ngoài báo động, mụ đàn bà nhào đến ôm tôi, tôi lên gối vào bụng mụ, mụ ngã lăn ra, tôi nhẩy tới lấy hết sức lật cái bàn. Bàn đổ, những đồ vật trên bàn rơi xuống loảng xoảng. Cánh cửa phòng bọc da đỏ mở ra, ba người Anh từ trong phòng bước ra. Tôi nói: "Tôi có tài liệu quan trọng gửi quí ông, xin cho tôi vào phòng..."

Tôi lọt ngay vào phòng làm việc đó. Vào phòng, tôi rút vội tập thơ dắt trong bụng ra, để xuống chân tường sau cánh cửa, để khi cửa mở người nhìn vào sẽ không thấy tập thơ. Ba người Anh trở vào phòng, hai người trẻ tuổi, một ông trạc 40, họ đóng cửa lại. Về sau tôi được biết ông trung niên ấy là vị đại biện lâm thời tòa đại sứ. Tôi nói với ba ông tôi là tù chính trị, tôi có tập thơ nhờ các ông mang về Luân Ðôn, xin đừng đưa nó cho bất cứ người Việt nào ở trong nước. Tôi lấy tập thơ đưa cho ông trung niên. Rồi tôi hỏi các ông có thể cho tôi tị nạn trong tòa đại sứ được không? Ông đại biện nói không được, bên ngoài công an đã vây kín tòa đại sứ. Tôi lại đề nghị cho tôi ngồi trong xe hơi từ trong tòa đại sứ chạy ra, đến chỗ nào đó tôi sẽ nhẩy xuống, ông đại diện cũng nói không thể được. Tôi lấy bịch thuốc vấn của tôi ra lấy một điếu hút. Lúc ấy tôi có cái bật lửa Zippo đã mất nắp, tôi phải bọc nylon cho xăng khỏi bay. Mấy ông nhìn ngây cái bật lửa quái dị của tôi. Tôi nói nhờ các ông mang tác phẩm của tôi về Anh, trao cho tổ chức người Việt chống cộng ở bên ấỵ Ông đại biện bảo tôi viết tên tuổi, địa chỉ, để lại.

Khi tôi cám ơn và từ biệt, tôi bắt tay ba ông, ông đại biện bắt tay tôi bằng cả hai tay, tôi thấy mắt ông có ánh thán phục. Vừa ra khỏi cổng tôi bị hai công an nắm cổ đi luôn, họ đưa tôi lên xe hơi, chở tôi vào thẳng Hỏa Lò. Dù tôi có ngồi xe hơi sứ quán chạy ra cũng không thoát được.

Vào Hỏa Lò tôi bị thẩm vấn ngay. Tôi khai tôi chạy vào sứ quán xin tị nạn, bọn công an trong sứ quán nghe được câu tôi nói lúc đầu với ba người Anh là tôi có tài liệu quan trọng muốn đưa, nên họ vặn hỏi tôi đưa tài liệu gì vào Sứ Quán Anh. Tôi nói tiếng Anh của tôi loại giả cầy, tôi nói tôi có chuyện quan trọng muốn nói chứ tôi có nói tài liệu gì đâu. Những ngày đầu bọn thẩm vấn rất ngọt với tôi, chúng nói "Anh có đưa tài liệu gì cứ nói, chúng ta sẽ lấy lại tài liệu đó cho tổ quốc không bị thiệt hại, chúng tôi hứa sẽ trả tự do cho anh ngay." Tôi vẫn nói tôi không có đưa tài liệu gì cả .

Mấy tháng sau đó tôi chờ đợi tin tác phẩm của tôi được xuất bản ở hải ngoại, nếu được xuất bản, bọn công an sẽ biết, chúng sẽ hành tội tôi ngay. Ruột tôi như có lửa đốt mà hết tháng này sang tháng khác, không thấy có gì mới cả . Tôi vẫn bị gọi ra khai cung nhưng chỉ toàn là hỏi những chuyện vớ vẩn. Mãi đến 16 tháng sau, tháng Mười, 1980, lần ấy ra làm việc tôi được đưa vào một phòng lớn, trong có ba bốn tên công an bự chờ sẵn, tôi hồi hộp biết là có chuyện mới. Lần này họ cho tôi thấy trang thư tiếng Pháp tôi viết trên đầu tập thơ. Lúc ấy tôi biết tác phẩm Hoa Ðịa Ngục của tôi đã được xuất bản, và đến lúc ấy tôi mới nhận tôi vào Sứ Quán Anh là để trao cho nhân viên sứ quán tập thơ ấy. Sự việc sau đó diễn ra như tôi đã kể .

Tôi sang Anh Quốc nhiều lần, lần nào tôi cũng đến thăm trụ sở Pen International ở Luân Ðôn. Gặp tôi, những ông bà Văn Bút Anh đều nói họ xấu hổ vì nhân viên sứ quán của họ năm 1979 đã không bảo vệ tôi, đã không cho tôi được tị nạn trong tòa đại sứ. Tôi có tìm, và nhờ tìm, ba vị nhân viên sứ quán Anh năm xưa, nhất là ông đại biện, để tôi được cám ơn các ông, nhưng Bộ Ngoại Giao Anh từ chối không tiết lộ danh tính, địa chỉ của ba ông....

Vì năng lực hạn chế, tôi làm thơ rất vất vả, mất nhiều công sức, thời gian. Làm xong mỗi bài thơ phải sửa chữa rất nhiều. Tập thơ này tôi làm từ năm 1978 tới năm 1988, được hơn 400 bài.

Năm 1988 vì quá yếu tôi không làm thơ nữa, dành thì giờ để học thuộc. Ngày nào tôi cũng đọc lại trong đầu trọn vẹn hơn 400 bài. Cứ đọc như thế trong gần 1,000 ngày, tôi thuộc làu làu như một cuộn băng. Có những ngày mưa rét, vừa nhẩm đọc, vừa ứa nước mắt, lưng dựa vào tường, người run rẩy.

Tới cuối năm 1990 tôi từ trại Thanh Liệt chuyển đi Ba Sao. Lúc đó tôi bị bệnh đau đầu, không nhẩm đọc thơ nữa. Tôi cũng chủ quan cho rằng thuộc đến thế, thời không thể quên nổi.

Tháng Mười, 1991, tôi được thạ Về nhà, định chép thơ ra giấy rồi dấu đi, tôi thấy quên gần hết. Thì ra đầu óc tôi không còn như trước nữa, suy yếu nhiều. Tôi phải mất hơn một năm trời nằm vặn óc ra mới nhớ lại được hơn 300 bài. Còn độ 100 bài thì không thể nhớ nổi. Ngưng trích.

 

Trở về trang chính