Site hosted by Angelfire.com: Build your free website today!

Đi thăm chùa Hương

Đã từ lâu, tôi luôn có mộng được đi thăm chùa Hương, nhất là vào mùa lễ hội. Bây giờ có dịp về thăm Hà Nội mà không vãn cảnh Chùa Hương thì thật là một điều thiếu sót. Qua thơ văn mà tôi đọc được, tôi luôn nghĩ cảnh chùa phải đẹp lắm, đẹp huyền bí, đẹp như một bức tranh thủy mạc do sự kết hợp hài hòa giữa đồi núi, sông hồ. Dòng Suối Yến chảy dài trong màu xanh ngát của những đồng lúa mênh mông, những đồi núi nhấp nhô và những ngôi chùa cổ kính. Đến nơi, tôi qúa thất vọng về những lừa lọc của bọn cò mồi, của những con buôn, hàng quán dọc hai bên đường, từ bến Trò tới động Hương Sơn. Cảnh buôn bán nhốn nháo,cãi vã, chửi bới thô lỗ và lừa bịp. Ngoài ra những chùa miếu xây cất mất trật tự dọc hai bên đường, khiến tôi cảm thấy thật gỉa khó lường. Quần thể xinh đẹp và huyền bí của chùa Hương đã bị bọn con buôn, cò mồi tục hóa.

Ngay những năm đầu của bậc trung học, sau khi ảnh hưởng bởi bài thơ "Đi chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp, tôi đã mang niềm mơ ước, được một lần viếng thăm chùa Hương.

............................

Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậỵ
Em vấn đầu soi gương

...........................................

Và nhất là sau khi học thuộc lòng bài "Chơi chùa Hương" của Hồ Xuân Hương:

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm

Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom

Người quen cõi Phật chen chân xọc

Kẻ là bầu Tiên mỏi mắt dòm

Giọt nước hữu tình rơi thánh thót

Con thuyền vô trạo cúi lom khom

Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại

Rõ khéo trời gìa đến dở dom!

 

Rồi lại qua bài thơ "Cô hái mơ" của Nguyễn Bính

 

Nhà ta ở dưới gốc cây dương

Cách động Hương Sơn nửa dặm đường

Có suối nước trong tuôn róc rách

Có hoa bên suối ngát đưa hương...

 

 

Đúng như lời kể trong thơ của cô gái trong bài "đi chùa Hương", muốn viếng thăm quần thể chùa Hương thì phải khởi đầu bởi bến Đục. Từ Hà Nội xuống tới bến Đục khoảng ngoài 60 cây số. Đường bây giờ đi khá thông thoáng, ngang qua thị xã Hà Đông, qua Ba La, thị trấn Vân Đình, rồi leo ngược lên bờ đê sông Đáy. Bên này là xã Ứng Hòa, bên kia là Mỹ Đức, hai bên bờ đê, ruộng xanh, nước biếc, trong xanh một màu. Đến Thanh Bồ, xe rẽ xuống một con đường nhựa, đôi chỗ lồi lõm đá, chừng 4 cây số thì đến bến xe Hồng Quang.

Bến xe Hồng Quang, liền sát với bến Đục. Ở đây có đủ loại xe, đậu khá ngay hàng thẳng lối nhưng cũng có khá lắm "cò", nào là có ghe, cò bến, cò ăn, cò uống, thậm chí có cả cò giường, cò chiếu, cho những khách muốn ngủ qua đêm. Mọi việc ở đây phải thật là cẩn trọng, đề phòng bọn gian manh, mánh mung. Đôi khi cảnh sát, công an khu vực cũng làm ngơ cho chúng ép khách, làm tiền.

Khi đã đến bến xe Hồng Quang thì du khách cứ mua thẳng vé thăm quan chính thức khi xe vừa vào cổng bến. Song song với việc bán vé chính thức (gía bao gồm cả vé đò), bọn cò cũng lôi kéo du khách mua vé chợ đen ngay trước quầy vé. Khi đã có vé, du khách chỉ việc ra bến theo thư tự lên đò, tổng cộng có trên 4 ngàn chiếc đò chuyên chở. Lợi dụng sự lúng túng, ngu ngơ của du khách, bọn cò lôi kéo du khách sang một bến phụ, đưa xuống thuyền thế là chúng chèo luôn một mạch. Giữa đường và giữa gió mát, ruộng đồng trong xanh, du khách tươi tỉnh hỏi gía thì cô gái trèo đò thách gía trời ơi, khiến du khách lạnh người nhưng không dám phản ứng vì thái độ của cô gái đã biến sắc chứ không còn tuơi vui, cởi mở khi con đò vừa rời bến Đục.

Thuyền đi, bến Đục qua,
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô A-di-đà !"

Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Dịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồị
Tới núi con voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây,
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Trước khi đi thăm chùa Hương, chúng tôi đã nhận được lời khuyên của những người bạn thân quen đã đi trước nên khi về Hà Nội, chúng tôi đã làm hợp đồng với trung tâm cho thuê xe, cung cấp cho một tài xế to con, mặt hơi ngầu. Chính vì thế, chúng tôi đã gặp được nhiều thuận lợi suốt những đoạn đường đi, ít bị bọn cò mồi làm phiền.

Khi chúng tôi vừa đến bến Đục, anh bạn Cao Thanh và tôi còn đang ngơ ngác ngắm cảnh thì một tên cò tới gạ chúng tôi mua vé thuyền, gạ mãi không được, chúng buông lời dọa nạt, anh tài xế từ trong quán nghe tiếng bước ra, nắm ngực tên cò mắng : « Đi chỗ khác chơi ! Bố đá bỏ mẹ bây giờ ! ». Tên cò còn dai dẳng chưa chịu buông tha thì anh tài lại la mắng : « Bố bảo bước ! ». Tên cò thấy anh tài có vẻ qúa cứng gân, hắn liền vừa lẩm bẩm, vừa bỏ đi.

Chúng tôi xuống một cái thuyền vừa tới phiên! thuyền qua những phong cảnh hết sức hữu tình, nào núi Oản, Gà, Xôi , đền Trình, cầu Hội (xây từ năm Tự Đức 13 "1859"....Dòng suối Yến trong xanh, hai bên bờ núi non nhấp nhô xanh biếc một màu, mỗi hòn núi có một hình thể khác biệt, có hòn thì như con gà, mâm xôi, có hòn thì như con voi nằm phục...

Dạo thuyền trên Suối Yến mà Hà Bá tôi cứ tưởng mình đang ở cảnh tiên bồng. Cảnh đẹp huyền bí, đẹp như một bức tranh thủy mạc do sự kết hợp hài hòa giữa đồi núi, sông hồ với đồng lúa mênh mông và những ngôi chùa cổ kính

Khi đến bến Trò thì thuyền không thể cặp bến vì hằng ngàn chiếc thuyền thiếc đã đến trước. Du khách buộc lòng phải bước từ cái thuyền này sang thuyền khác, chông chênh và chòng chành như kẻ ngả nghiêng, say sỉn. Bến Trò thật đẹp, rộng mát và quang đãng, núi che, non phủ. Ẩn mình trong màu xanh tươi thẳm và thơm mát của hương rừng với những tiếng chim kêu, vượn hú.  Thật là một cảnh non xanh, nước biếc hữu tình.

Vừa bước lên bến Trò, du khách đã nhìn thấy mái Thiên Trù (bếp trời), mái ngói tuy rêu mốc nhưng là một công trình xây cất đặc thù dân tộc, to lớn và  rất đẹp mắt. Trước cổng Thiên Trù là những dãy hàng, quán san sát và tấp nập. Nào là hàng ăn, quán sách. Hàng ăn ở đây thì thật là đủ loại, ngon, đở khó lường. Từ những bát bún riêu cua, bún ốc, đến những món thịt rừng đủ loại.

Trước cảnh ngổn ngang và rựơu thịt trước cổng chùa, Hà Bá tôi đã phải than lên rằng:

Quán rừng ngập khắp cổng chùa
Heo rừng, nai, mễn, treo bừa không kiêng
Phùng mang trợn má nhậu liên
Ăn tục nói phét, triền miên những lời
Tày trời, tội ác thấu trời
Sát sinh ăn mặn toàn lời du côn
Mặt mày hung dữ cô hồn
Đụng tới là chửi, khiếp hồn cố thây!
Cổng chùa toàn những thằng bây
Thánh thiêng toàn những cố thây côn đồ!
Thập phương lòng khách hững hờ
Cổng chùa ai lại tờ mờ lai rai
Lời mời khách để ngoài tai
Thế là văng tục, thị oai khôn lường!

Nam Mô Đức Phật thấu tường
Tội ác chúng nó phải luồng cối xay
Thịt rừng chúng nhậu lai rai
Văng tục nói phét, thị oai cổng chùa!
Sát sinh phạm giới bốn mùa
Kiếp sau biến chúng thành rùa mới cam!

Hoàng Ngọc Lễ
( Chùa Hương 2003)

 

Chùa Hương "Nam thiên đệ nhất động" từ lâu đã trở thành một thắng cảnh du lịch nổi tiếng và là một di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước ta. Non xanh, nước biếc, huyền bí và hữu tình, bao quanh những mái chùa cổ xưa, linh thiêng và uy nghiêm.

Trước cảnh sông nước phong phú và hài hòa, núi non phủ đẹp như vậy, Chùa Hương bao đời đã là nguồn cảm hứng thi ca cho biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ. Chính vì mang một cảnh đẹp thiên nhiên, linh thiêng và huyền bí như vậy, cảnh chùa đã tạo cho du khách thăm viếng một sự rung động rộn ràng.

 

Chính bà Huyện Thanh Quan đã thốt lên:

 

Cửa Phật lơ thơ từng đá giãi

Chùa Tiên bát ngát khói hương bay

"Nam vô", tiếng dậy thưa trần tục

Non nước Bồng Lai mới thấy đây!

 

Đường lên Thiên Trù, những hàng hoa gạo đua nở đỏ trời, chen lẫn những cây hoa đại trắng điểm và tỏa hương thơm thoang thoảng, chen lẫn hương thơm rừng núi. Những tiếng chim thánh thót du âm như mời mọc, đón mời. Du khách qua đây cảm như mình đang ru hồn trong nơi thanh cảnh, nhàn nhã, địa đàng. Uổng một điều là trước cửa Đền Trình mọc lên đầy những hàng quán, gần như thiếu tổ chức, cảnh mời mọc hết sức xô bồ, khiến du khách cảm thấy không mấy an tâm để có thể ghé vào ăn uống, mua bán.

Rác rưới, chai, lon vứt đầy đường, những công trình vá víu xây cất dở dang do những tên ma đầu buôn thần bán thánh ngụy gỉa thần linh đang bỏ công xây cất kinh doanh. Chính phủ đã có những quyết tâm dẹp bỏ những miếu thần gỉa và tỉnh Hà Tây cũng đang ra sức đập bỏ, chính vì thế, du khách thỉnh thoảng nhìn thấy những bức tường vừa mới xây chắn, bít kín những "miếu thần" vừa bị cấm.

Mặc dầu đã có những ngăn cấm, người ăn xin vẫn tụ tập khá đông. Mặc dù đã được anh tài xế khuyến cáo nhưng trước một hình ảnh vô cùng đáng thương, một em bé gái, bế một em bé trai, xanh xao, bệnh hoạn, thậm chí bị dái của em xưng bầm. Em co ro, đau đớn, không còn đủ sức khóc lên lời. Tôi trao cho em vài đồng bạc cùng 2 lon nước. Tiền vừa bỏ túi, không biết em phát tín hiệu sao đó, những người hành khất tụ tập đâu đó, bổ tới và bao vây nhóm tôi. Ai nấy lấy tay bịt túi, may thay! đã đựơc chuẩn bị trước, chúng tôi đều mặc áo khoác nên kẻ gian khó hòng móc túi. Anh tài xế đã nhanh ý, móc ra một xấp bạc lẻ, anh chia nhỏ và phát cho từng người thế là chúng tôi thoát nạn, từng người rút êm, để anh tài xế ở lại chịu trận. Khi thấy chúng tôi đã cách xa, anh ta lao, tung ra khỏi vòng vây. đây là một bài học đáng gía cho chúng tôi, mỗi khi tới thăm viếng những khu du lịch.

Gần một tiếng đồng hồ ngồi trên thuyền chèo, giữa dòng Suối Yến trong veo, chạy dài từ bến Đục len lỏi giữa hai cánh đồng bát ngát, với những cánh đồng lúa xanh tươi như một tấm thảm nhung óng ảnh, mượt mà và những vách núi thoai thoải, chen đan, chảy dài. Tôi cảm thấy lòng mình vui tươi, thanh thản. Nhưng giờ đây, đối diện với những biến động bất an, mời chào lôi kéo và cảnh chen chúc, chen lấn như cảm thấy mình đang bị nhận chìm trong tận cùng của đáy hộp cá mòi.

Ngoài những mặt xấu kể trên, vấn đề nhà cầu ở đây cũng cực kỳ tồi tệ và dơ bẩn. Vừa qua khỏi Thiên Trù, tôi cảm thấy đau bụng và mắc đi cầu. Sau một hồi hỏi han, tôi được chỉ tới một bảng mũi tên to lớn, sơn màu trắng trên vách đá, bên dứơi có đề w.c., nhà cầu. Thú thật tôi chưa từng thấy nhà cầu ở đâu mà dơ bẩn đến như vậy, kể cà nhà tiêu công cộng của làng tôi ở Hải Phòng, khi tạm lánh cư qua đây vào năm 1954. Đúng hơn, đây là vùng oanh kích tự do (free firing zone), ai muốn xả đâu thì xả, chẳng ai cần phải che dấu ai cả!

Từ những bậc cao nhìn xuống Thiên Trù, tôi thấy nghi ngút khói hương pha lẫn những làn khói tỏa ra từ nhửng căn nhà bếp gần đó. Thú thật khi đến Thiên Trù, giữa cảnh đẹp hùng vĩ và của tươi xanh núi rừng, tôi cứ tưởng mình đang lạc cảnh trong vì sao Thiên Trù, để hưởng, nếm những tinh hoa, món ngon của bếp trời.

Trước cảnh bát nhát, xô bồ của những hàng quán dọc hai bên đường, tôi thấy lòng mình quặn đau, vừa đau bụng, vừa đau lòng. Tôi cảm thấy ngao ngán trước hơn một trăm bậc cấp, cao thấp, ngắn dài và khoảng trên dưới 2 tiếng đồng hộ để có thể leo lên đến động Hương Sơn (chùa trong).

Chúng tôi ngồi nghỉ khá lâu ở đền Giải Oan, chiêm ngắm bao la của đất trời cùng những cung cách cung kính thờ phượng của con người. Rất nhiều du khách ghé ngang đây, người thì đưa tay hứng nước xoa đầu, người thì đưa ly, chai hứng ...Hình như ai cũng vứt xuống suối (hố nước) một vài đồng bạc cắc cùng một vài tờ giấy bạc vào thùng tiền gắn cọc kế bên.

Không xa đền Giải Oan bao nhiêu, có một tường đá mới xây, che chắn một thứ gì đó bên trong. Hỏi ra mới biết rằng đấy là một đền Giải Oan gỉa do bọn ma cò tự chiếm, tự xây để kiếm tiền du khách. Ban văn hóa và cảnh sát Hà Tây đã mới vừa tịch thu tuợng đài và xây tường che chắn.

Thật sự ra thì ở quần thể chùa miếu chùa Hương, thật gỉa khó lường. Du khách chỉ ngang qua, thấy đền thờ, am, miếu là ghé ngang, đốt nhang, vái lạy, bỏ tiền, ít ai tìm hiểu và biết đến thật hư.

Leo bậc qúa nhiều nên mệt mỏi, khát nước. Buộc lòng chúng tôi phải ghé ngang quán nước của một em bé khá tươi xinh. Thấy quán hàng của em đề giá đàng hoàng, ghi rõ hàng số 8.000đ dưới chân chai nước, chúng tôi mua của em 4 chai, khi tính tiền thì em lại tính 20.000đ thay vì 8.000đ. Tôi bạo miệng hỏi em thì em trả lời rằng hàng số đề 8.000đ là cho loại nước khác. Tôi định cất lời cãi vã thì từ vách ngăn bên trong bước ra một gã mặt mày hung dữ, mặt sẹo như mới bị băm nên chúng tôi buộc lòng trả tiền ra đi cho an toàn.

Thấy chúng tôi có vẻ bất bình, anh tài cắt nghĩa:

- Con đã nói với mấy bố là cần mua, bán gì thì cứ để mặc con.

- Tôi thấy nó đề gía đàng hoàng mà!

- Ở đây toàn lũ mua bán ba xạo, đểu cáng. Chúng thông đồng với nhau tất cả!

- Cả công an nữa à!

- Thế bố không thấy cái thằng chủ quán lúc nãy chèn ép, chật đẹp khách hàng trước mũi công an à!

- Ừ nhỉ!

Qua khỏi đền Giải Oan thì đường càng dốc, đa số du khách cao niên đã phải dùng gậy chống. Những cây mía được bày bán dọc đường. Càng lên cao thì đường càng hẹp, hàng quán càng lấn chiếm lòng đường. Nhiều hàng qúan chỉ dính, bám một mép vào lề đường, còn mép kia thì chênh vênh, đong đưa như được treo lơ lửng giữa từng trời. Thật vậy! Tôi quan sát một cách rõ ràng, một hàng quán đã dùng những cây tre nối dài làm cột chống còn phía ngọn thì được cột, buộc vào những cánh cây rừng. Tôi không hiểu nếu có gió bão thì hàng quán chống đỡ cách nào.

Càng lên cao thì cảnh quan càng đẹp, tiếng chim rừng réo hót ví von, bên cạnh tiếng suối reo như tiếng sáo nhạc ru hồn thanh thản. Những loài hoa dại rơi rụng dọc đường, những đám mây trắng lững lờ trên bầu trời tươi trong, xanh thẳm. Những ngọn núi phía dưới, nhấp nhô chen đan như những bàn cờ của những tiên ông đang trong màn thạch trận. Thật là tươi xanh,  hùng vĩ và mang vẻ huyền bí, nhiệm màu.

Dọc đường có qúa nhiều am, động miếu thờ, người thì cắt nghĩa cách này, kẻ thì cắt nghĩa cách khách. Chính vì sự dừng chân của du khách vào những am động bên đường mà đã xảy ra cảnh ùn tắc, chen lấn. Chính cái cảnh hen lấn này đã tạo cơ hội qúy hiếm cho bọn lưu manh, móc túi. Có lẽ đã được cảnh báo rõ ràng nên chúng tôi thấy đa số du khách lên đây đều túi gài, bị cột, đề phòng quân gian.

Tranh thủ đi mau, quên không ngơi nghỉ nên khi đã trèo lên đỉnh dốc, tôi đã cảm thấy mệt mỏi rã rời, đôi khi hai bàn chân bật run như cầy sấy! Bước đi như người không quân bình trọng lực.  Mệt đi muốn lả, tôi ghé ngồi một bọng đá bên đường, trơ tròn như một sọ người hóa đá. Thật là mát mẻ thảnh thơi, giữa màu tươi xanh của núi rừng. Tôi hít thở những làn khí trong lành, buồng phổi tôi như mới vừa tẩy uế. Tôi vươn vai vai làm một vài cử động, lấy sức tiếp tục lên đường.

Tôi vừa đứng dậy, đeo gọn ba lô thì một vị khách không mời từ đâu tiến đến, chìa tay đòi tiền.

- Tiền gì đấy nhỉ?

- Ghế đá tư nhân

- Tư nhân cái đếch!

- 5 ngàn đây! Trả!

Tai nghe gặng tiếng hắng bên đường, biết điều xúi quẩy. Chi vội cho xong.

Rời ghế đá công viên, à quên! công viên khỉ mốc! đã có kẻ nhận càn. Chúng tôi tiến vào một cái cổng bằng đá thì phía dưới lõm sâu, ăn vào cửa động. Động thật lớn và sâu thẳm. Qua anh sáng mờ tối, chúng tôi quan sát những hòn thạch nhũ mang những hình thù, sắc thái huyền bí lạ thường, ai đoán cách nào cũng được. Người thì bảo bên trong là những tượng Phật, kẻ thì bảo các tiên ông đánh cờ...Trên vách đá treo hàng chữ Hán: "Nam thiên đệ nhất động". do chú Trịnh Sâm khắc vào thế kỷ 18.

Trong động nghi ngút khói hương và những bàn tay thi nhau vái lậy. Những mâm hoa qủa, thậm chí cả lợn, gà quay vàng như nghệ. Ngay cổng ra vào, tiếng hàng quán reo bán khôn nguôi, giống như những buổi chợ trời, tranh cãi, tục tĩu hết lời.

 

Ngược lại ánh sáng cửa hầm, tôi tìm đường ra ngoài, hít thở những làn khí trong lành, ngắm nhìn một kỳ quan diễm ảo. Những làn mây mỏng, rung rinh như tơ trời trên bầu trơi xanh thẳm.  Tôi cảm thấy nhẹ nhàng như vừa leo đến cổng trời. Uổng điều ma vương đâu đây nhiều qúa, ô nhiễm thánh thiêng, làm giảm đi một kỳ quan của tạo hóa.

 

Hoàng Ngọc Lễ

(Chùa Hương 2003)